Chuyện chưa từng có
Hariwon được đề cử làm trợ lý ngôn ngữ cho HLV Park Hang-seo nổi lên sau thông tin ông Lê Huy Khoa quyết định dừng hợp tác với ĐT Việt Nam. Dĩ nhiên, đề cử ấy đến từ những người hâm mộ và ngẫu nhiên trở thành một câu chuyện thú vị.
Cô gái mang hai dòng máu Việt – Hàn từng làm MC tại lễ mừng công tấm HCB lịch sử của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á 2018. Cô vừa làm MC, vừa kiêm luôn phiên dịch cho HLV Park Hang-seo, trợ lý Lee Young-jin và Bae Ji-won.
Hariwon (thứ 2 từ phải sang) làm MC kiêm phiên dịch cho những HLV người Hàn tại lễ mừng công thành tích giành HCB U23 châu Á 2018 của U23 Việt Nam tại SVĐ Mỹ Đình hồi đầu năm nay.
Đó là công việc không khó với nữ ca sĩ, diễn viên kiêm MC 33 tuổi. Cũng từ chuyện đó cộng với việc trợ lý Lê Huy Khoa xin nghỉ, Hariwon được nghĩ đến như một sự thay thế là điều dễ hiểu dù nhận không ít lời chê bai.
Nếu Hariwon làm trợ lý cho HLV Park Hang-seo, ích lợi mà cô đem lại không hề nhỏ. Người đẹp sinh năm 1985 sẽ trở thành chất xúc tác làm "mềm" không khí ở đội tuyển quốc gia Việt Nam. Đồng thời, việc xuất phát từ showbiz giúp cô có thể đưa ra những tư vấn về ứng xử với truyền thông cho các thành viên trong đội. Quan trọng hơn, cô góp phần tạo nên sự mới mẻ cho hình ảnh của đội tuyển nước nhà.
Dĩ nhiên, Hariwon không phải dân chuyên bóng đá. Dù có vốn tiếng Hàn lẫn tiếng Việt dày dạn, cô nàng vẫn sẽ gặp bất lợi khi phải thích ứng với những từ thuộc chuyên ngành bóng đá. Bất lợi ấy không thể ngày một ngày hai có thể giải quyết. Chưa kể, những người theo sát bóng đá Việt Nam cũng có những niềm tin nhất định, trong đó có việc "kiêng" phụ nữ ở gần đội tuyển trước những giải đấu quan trọng.
Xuất thân showbiz của Hariwon là ưu, song cũng có thể trở thành nhược điểm. Cô có thể làm tâm điểm chú ý thay cho các thành viên khác. Tích cực ở chỗ các cầu thủ có thể chuyên tâm vào chuyên môn nhưng tiêu cực ở chỗ chính họ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những góc nhìn khác ngoài bóng đá.
Nếu Hariwon được chọn, đây sẽ là chuyện chưa từng có trong lịch sử bóng đá nước nhà. Thế nhưng, không dễ để mọi thứ đi đúng với mong muốn của một bộ phận người hâm mộ.
Vấn đề của Hariwon là chuyên môn về bóng đá bị hạn chế cũng như việc xuất thân từ giới showbiz nhiều thị phi ở Việt Nam. Ảnh: Kim Điền/Kenh14.
Chuyện nữ nhân ở bóng đá Đông Nam Á
Bóng đá khu vực không thiếu những người phụ nữ tạo nên cơn sốt. Đó là những người có quyền lực thật sự, tạo nên hình ảnh và diện mạo mới cho bóng đá quê hương. Thậm chí, hình ảnh đó còn được các nước khác trong khu vực mến mộ.
Khác với Hariwon, xuất phát điểm của họ là những nhà quản lý có kỹ năng, những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng và có chuyên môn thể thao sâu sắc.
Watanya Wongopasi (33 tuổi), cựu Trưởng đoàn U23 Thái Lan vô địch SEA Games 2017 là ví dụ điển hình. Nữ trưởng đoàn xinh đẹp này gây sốt tại SEA Games 2017 và trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông. Kỹ năng ứng xử với truyền thông và quán xuyến công việc của cô gây ấn tượng mạnh.
Cô từng làm phóng viên của kênh Channel 3, Channel 5, Channel 9 tại Thái Lan. Hiện giờ, cô giữ chức chủ tịch tập đoàn truyền thông Spring News và News Network Corp PCL. Watanya Wongopasi cũng là trưởng đoàn nữ đầu tiên của bóng đá Thái Lan giành HCV SEA Games.
Cựu Trưởng đoàn Watanya Wongopasi (phải) chụp ảnh cùng cựu HLV Woorawut Srimaka (trái) và đội trưởng Chenrop Samphaodi khi giành chức vô địch U21 Nations Cup năm 2016.
Madam "Dear" (Quý bà đáng mến) là tên gọi mà các thành viên U23 Thái Lan dành tặng cho Watanya. Người phụ nữ 33 tuổi này cũng từng là thần tượng của giới trẻ Thái Lan về sự thành đạt và năng động.
Người thứ hai cũng đến từ Thái Lan, bà Nualphan Lamsan (52 tuổi), người hiện giờ giữ chức Trưởng đoàn đội tuyển bóng đá nữ Thái Lan. Chức vô địch AFF Cup nữ 2018 là thành tích mới nhất. Trước đó, bà giúp bóng đá nữ Thái Lan lần đầu dự World Cup năm 2015.
Tìm hiểu về lý lịch của quý bà này mới thấy "sốc". Nualphan Lamsan còn là GĐĐH công ty bảo hiểm Muang Thai, Chủ tịch Port FC đang thi đấu tại Thai League 1 và Chủ tịch danh dự của hãng thời trang sang trọng Hermes trụ sở tại Thái Lan.
Gia thế của quý bà 52 tuổi là dòng họ Lamsan có thế lực tại xứ sở chùa vàng. Bà còn là cử nhân Marketing, khoa Thương mại và kế toán của Đại học danh tiếng Chulalongkorn (Thái Lan); thạc sỹ quản trị kinh doanh, Đại học Boston (Mỹ).
Bà Nualphan Lamsan là Chủ tịch Port FC thi đấu tại Thai League 1. Tại ĐTQG nữ Thái Lan, bà được gọi là Madam "Power" (Quý bà quyền lực) và rất được tôn trọng.
Quý bà 52 tuổi xuất thân từ dòng họ Lamsan, có thế lực và tầm ảnh hưởng trong hoàng gia Thái Lan.
Người cuối cùng được nhắc đến là Tổng thư ký LĐBĐ Indonesia (PSSI), bà Ratu Tisha Destria (33 tuổi), người phụ nữ đầu tiên làm Tổng thư ký PSSI sau 88 năm.
Ratu Tisha Destria từng tham gia đội ngũ quản lý trực tiếp Giải đấu sinh viên ở Tây Java và Persib. Sau này, cô đồng sáng lập Lab Bola, doanh nghiệp về lĩnh vực dịch vụ phân tích dữ liệu trong thể thao.
Năm 2013, Ratu trở thành 1 trong 28 người được FIFA lựa chọn từ 6.400 đơn đăng ký chương trình thạc sỹ của LĐBĐ thế giới. Thành tích của cô xếp thứ 7 trong lớp, hoàn thành các chứng chỉ về Thể thao nhân văn, Quản lý thể thao và Luật thể thao.
Ratu Tisha Destria mới 33 tuổi nhưng đã làm Tổng thư ký LĐBĐ Indonesia. Cô giữ chức vụ này sau khi Indonesia kết thúc án phạt cấm tham gia các hoạt động bóng đá quốc tế 1 năm từ FIFA. Ảnh: Beritagar.id/Pisnu Aung Prasetyo.
Ratu tốt nghiệp khoá học thạc sỹ do FIFA tổ chức năm 2013 và nhận chứng chỉ về Thể thao nhân văn, Quản lý thể thao và Luật thể thao. Ảnh: Breakingnews.co.id.
0 nhận xét