Thực tế trẻ em ở Nhật được chăm sóc phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. Từ nhỏ, các bé đã được dạy đầy đủ các kỹ năng sống để có thể tự thân tồn tại trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt và phát triển tốt trong xã hội.
Các trường học ở Nhật Bản cũng thường tổ chức những buổi học ngoại khóa dành cho học sinh. Và tôi đã may mắn có dịp đến giao lưu giới thiệu Tết cổ truyền các nước châu Á ở trường mẫu giáo Mikatsuki.
Thời tiết giá lạnh ngày đông
Tôi dậy sớm hơn thường lệ để đến trường tập kết cho buổi giao lưu với các bé ở trường mẫu giáo Mikatsuki gần trường đại học Saga. Sáng sớm trời còn lạnh lại còn có tuyết rơi, nhiệt độ chỉ vào khoảng 1-2 độ C, nhưng mọi người phải chờ bên ngoài phía trước cổng trường để xe đưa rước của nhân viên trường mẫu giáo đến đón. Bên ngoài trời hơi lạnh, nhưng ai cũng háo hức đến gặp các bé. Chúng tôi có khoảng 7 sinh viên đến từ các nước như Bangladesh, Ấn độ, Myanmar, Thái Lan, Srilanka và cả Việt Nam. Mỗi người đã chuẩn bị nội dung về lễ hội Tết cổ truyền của nước mình để giới thiệu cho mọi người.
Trường mẫu giáo Mikatsuki
Trường mẫu giáo hiện đại vùng quê
Ấn tượng đầu tiên của tôi là không gian rộng lớn của trường Mikatsuki. Mặc dù bên ngoài trông rất khép kín, bên trong trường có đầy đủ trang thiết bị, tiện nghi và cả một khoảng sân rộng lớn hơn cả sân bóng cho các bé vui chơi. Đón tiếp chúng tôi là cô giáo hiệu trưởng trường, vẫn là thái độ niềm nở chào đón, chúng tôi được dẫn đến phòng khách ngồi chờ. Mọi người được thết đãi món bánh ngọt của Nhật và không thể thiếu trà xanh theo kiểu Nhật, tất cả tạo nên buổi đón tiếp thân mật và ấm cúng nhưng cũng rất trang trọng.
Khuôn viên trường rất rộng và được trang bị đầy đủ các dụng cụ vui chơi dành cho trẻ em.
Sự hồn nhiên của trẻ thơ
Chúng tôi cảm thấy rất thú vị vì các lớp học ở đây được ký hiệu bằng những biểu tượng như mặt trời, mặt trăng, ngôi sao… Bên ngoài tuyết vẫn còn rơi nhiều nhưng các bé vẫn tự do chạy nhảy ngoài trời gió lạnh. Đây có lẽ là điểm nổi bật của người Nhật trong việc giáo dục trẻ nhỏ rèn luyện tính tự lập và khả năng chống chọi, thích nghi với thiên nhiên khắc nhiệt.
Vào trong lớp, các bé tụ hợp lại thành từng nhóm chơi trò chơi tìm hình ghép giống nhau. Ngay khi cô giáo giới thiệu về vị khách mới, ngay tức thì các bé tò mò hỏi tôi đủ chuyện, mà tự giác đặt câu hỏi chứ không đợi phải gọi đến lượt. Lớp nhỏ chỉ khoảng 10 bé nhưng cũng có một giáo viên hướng dẫn và một người trợ giúp.
Tôi thầm nghĩ không phải ngẫu nhiên mà giáo dục Nhật Bản được đánh giá rất cao trên thế giới, họ chú trọng đầu tư cho giáo dục từ bậc mầm non. Các bé đều rất ngoan và thông minh, và được rèn luyện kỹ năng sống từ nhỏ. Cả nhóm tự động mang ghế lại, mỗi bé tự giới thiệu bản thân cho mọi người, rồi cùng trò chuyện trao đổi với vị khách mới. Chúng tôi cũng không quên ghi lại kỷ niệm bằng vài tấm ảnh tập thể (nhưng do quy định không được tùy tiện sử dụng hình ảnh các bé nên không tiện dùng trong bài viết này).
Buổi sinh hoạt chính thức là tại nhà thể thao của trường, có thể gọi như vậy vì mọi hoạt động tập thể đều diễn ra nơi đây để tránh thời tiết lạnh giá bên ngoài. Phần giới thiệu về Tết cổ truyền của sinh viên các nước diễn ra sôi nổi và thu hút sự sự giao lưu trò chuyện của các em. Điều xúc động nhất là các em nhỏ xíu đã biết tự tay làm những chiếc vòng kỷ niệm tặng cho chúng tôi. Có lẽ không ai có thể nào quên sự hồn nhiên vô tư, lễ phép nhưng không kém phần thông minh lém lỉnh của các bé.
Buổi lưu kết thúc tại phòng ăn trưa. Các bé được rèn luyện tự mình dùng cơm chứ không cần các cô giáo chăm đút. Vẫn biết so sánh là khập khiễng, nhưng ở tuổi đó trẻ em ở Việt Nam chắc hẳn sẽ phải cần bố mẹ đút từng thìa cơm, dỗ dành nếu các bé kén ăn, thậm chí nhiều bé sẽ vòi vĩnh để được chơi game, xem phim hay đòi mua quà bánh...
Trong khi đó, trẻ em Nhật từ nhỏ đã biết tự lập từ cách ăn, ở, vệ sinh lẫn cách đi đứng. Bên cạnh việc học tập phát triển nhân cách, các bé được rèn luyện kỹ năng sống để phát triển tư duy, khả năng thích nghi với thiên nhiên và môi trường khắc nghiệt. Chúng tôi khép lại một ngày trải nghiệm đáng nhớ của mình khi được cô hiệu trưởng tiễn ra xe giữa trời tuyết rơi và lời hẹn gặp lại nồng nhiệt.
Giáo dục mầm non rõ ràng cần được quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi bởi đây là bậc học giúp trẻ em phát triển cả thể chất lẫn tâm sinh lý. Ở Việt Nam, với điều kiện cơ sở vật chất và số lượng học sinh mỗi lớp đông, nên đã xảy ra nhiều tiêu cực xung quanh việc nuôi dạy trẻ ở các trường mẫu giáo. Hy vọng việc giáo dục phát triển trẻ em sẽ được quan tâm đúng hướng để thế hệ tương lai có thể phát triển toàn diện các kỹ năng sống, thích nghi tốt để có thể tự bảo vệ bản thân.
0 nhận xét