Viêm gan là một bệnh về gan khi các tế bào trong mô gan bị tổn thương do các virus. Viêm gan có hai loại là viêm gan cấp tính với bệnh chỉ kéo dài dưới 6 tháng và viêm gan mãn tính có thời gian kéo dài bệnh lâu hơn. Ngoài viêm gan do virus thì căn bệnh này có thể đến từ những nguyên nhân như uống rượu, nhiễm trùng gan hoặc do quá trình tự miễn dịch. Với những triệu chứng và dấu hiệu bệnh khác nhau, viêm gan được chia thành 5 loại. Dưới đây là những loại viêm gan và cách phòng tránh của từng trường hợp.
Viêm gan A
Viêm gan A do siêu vi khuẩn viêm gan A (HAV) gây ra. Bệnh thường lây truyền qua thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm bởi chất thải từ người bị nhiễm viêm gan A, thường thấy ở các thành viên gia đình thông qua tiếp xúc gần gũi. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, virus viêm gan A chiếm 1.781 trường hợp nhiễm mới mỗi năm.
Viêm gan B
Viêm gan B lây truyền khi tiếp xúc với chất dịch cơ thể truyền nhiễm như dịch tiết âm đạo hoặc tinh dịch và máu có chứa siêu vi khuẩn viêm gan B (HBV). Bệnh cũng có thể lây lan qua vi khuẩn từ các vật dụng cá nhân như dao cạo, bàn chải đánh răng, kim xăm... Có đến khoảng 6% - 10% bệnh nhân bị viêm gan B phát triển thành HBV mãn tính. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh về gan như suy gan, ung thư gan và xơ gan.
Viêm gan C
Viêm gan C xuất phát từ siêu vi viêm gan C (HCV) lây truyền khi tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể bị nhiễm bệnh, chủ yếu thông qua tiếp xúc tình dục, sử dụng kim tiêm và truyền máu. Tại Hoa Kỳ, siêu vi viêm gan C là loại bệnh siêu vi trùng do virus gây ra trong máu phổ biến nhất. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, mỗi năm có 16.500 trường hợp mới mắc bệnh viêm gan C được phát hiện.
Viêm gan D
Viêm gan siêu vi D là bệnh gan nghiêm trọng do siêu vi khuẩn viêm gan D (HDV) gây ra, lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với máu của người bị nhiễm bệnh, kim tiêm chung và do tiếp xúc tình dục. Đây là loại viêm gan hiếm gặp chỉ xảy ra khi nhiễm viêm gan B phát triển thành. Bởi vì HDV không thể tồn tại một mình, bệnh bị gây ra bởi một loại protein mà HBV tạo thành, để lây nhiễm cho các tế bào gan.
Viêm gan E
Viêm gan E là bệnh gây ra do nước bị nhiễm virus siêu vi viêm gan E (HEV). Chúng chủ yếu xảy ra ở những khu vực có vệ sinh kém và thường là kết quả của việc sử dụng nguồn nước bị nhiễm khuẩn từ các chất thải của người bệnh viêm gan E.
Viêm gan G
Viêm gan G (HGV) là loại viêm gan mới được phát hiện gần đây. Hiện loại virus gây ra bệnh và các dấu hiệu cũng như cách điều trị vẫn đang được nghiên cứu.
Viêm gan siêu vi mãn tính là gì?
Những người bị nhiễm viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi C có thể bị dẫn đến bệnh viêm gan mãn tính. Đối với viêm gan mãn tính, virus bắt đầu phát triển nhiều trong gan. Sau nhiều năm, hệ thống miễn dịch không thể loại bỏ chúng và cuối cùng dẫn đến tình trạng viêm mãn tính của gan.
Các triệu chứng thường gặp của viêm gan
Nếu bị viêm gan B và C, bạn sẽ không gặp bất kỳ triệu chứng nào ngay từ đầu. Chúng sẽ không xuất hiện cho đến khi các chức năng gan bị ảnh hưởng. Khi đó, cơ thể bạn sẽ có những hiện tượng như: mệt mỏi, nước tiểu đậm màu, ăn mất ngon, đau bụng, hay bị cúm, giảm cân đột ngột, da và mắt vàng, nôn mửa...
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus viêm gan B và C có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe. Căn bệnh gây ra cho khoảng 325 triệu người trên toàn cầu. Chúng cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan, dẫn đến 1.34 triệu ca tử vong mỗi năm.
Cách điều trị cho từng loại bệnh viêm gan
Đối với bệnh viêm gan A, đây là một căn bệnh ngắn hạn nên cách điều trị sẽ đơn giản hơn. Nếu bạn bị nôn mửa hoặc tiêu chảy, hãy đến phòng khám để được kê toa và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Tiêm ngừa viêm gan A có thể giúp ngăn ngừa bệnh. Trẻ em trong độ tuổi từ 12 - 18 tháng và người lớn cũng có những phương pháp tiêm ngừa để phòng bệnh.
Viêm gan B mãn tính được điều trị bằng thuốc kháng virus. Hình thức điều trị này có thể tốn kém bởi vì phải điều trị trong vài tháng hoặc nhiều năm. Bạn phải thường xuyên khám bệnh để theo dõi xem liệu virus có phản ứng với thuốc hay không. Bệnh viêm gan B cũng có thể được phòng ngừa bằng cách tiêm chủng vắc-xin.
Viêm gan C mãn tính có thể được điều trị bằng thuốc kháng virus và hiện chưa có bệnh pháp tiêm ngừa phòng bệnh viêm gan này.
Viêm gan D có thể được ngăn ngừa bằng cách tiêm chủng phòng bệnh viêm gan B.
Viêm gan E là bệnh cấp tính và những người mắc loại nhiễm trùng này nên nghỉ ngơi nhiều, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước và tránh đồ uống có cồn như rượu, bia.
Ngoài ra, cần tránh việc tiếp xúc với máu, các dịch tiết của cơ thể như nước tiểu, chất nôn mửa và tinh dịch... để giúp ngăn ngừa sự lây lan của tất cả các loại virus gây bệnh.
Nguồn: Boldsky
0 nhận xét