Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định kỳ thi THPT quốc gia đã kế thừa được những ưu điểm và kết quả đạt được, khắc phục những bất cập của các kỳ thi trước đó, bảo đảm tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn cho giáo viên và học sinh, phù hợp với Luật Giáo dục, Luật GDĐH và với xu hướng chung của các nước trên thế giới.
Qua 4 năm thực hiện ổn định với một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật theo từng năm, Kỳ thi THPT quốc gia đã đáp ứng yêu cầu thi cử gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh và xã hội; công tác tuyển sinh ÐH, CÐ diễn ra thuận lợi, phát huy ngày càng cao tính tự chủ của các cơ sở đào tạo, mở ra nhiều hơn cơ hội tiếp cận GDÐH, giáo dục nghề nghiệp cho thí sinh. Bên cạnh đó, đã cung cấp thông tin phản hồi tin cậy về chất lượng GDPT để điều chỉnh quá trình dạy, học từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngày giáo dục cũng đưa ra một số khó khăn vướng mắc. Việc ra đề thi, tổ chức coi thi, chấm thi, xét tuyển ÐH, CÐ hằng năm vẫn còn một số bất cập, cần rút kinh nghiệm, hoàn thiện để kết quả thi đảm bảo tính khách quan, trung thực.
Ðặc biệt, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, đề thi ngoài mục đích xét tốt nghiệp THPT còn là căn cứ để các trường ĐH, CĐ xét tuyển sinh nên có tính phân hóa cao, có những câu hỏi có độ khó hơn so với yêu cầu của học sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; còn để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi ở một số địa phương (như Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La).
Ngoài nguyên nhân thuộc trách nhiệm trực tiếp của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh đối với việc tổ chức thi tại địa phương, còn có nguyên nhân thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ÐT trong khâu ra đề thi và vai trò giám sát ở một số khâu tổ chức thi. Bên cạnh đó, phần mềm chấm thi trắc nghiệm tuy cơ bản đáp ứng yêu cầu chấm thi nhưng vẫn còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi, nhất là khi người dùng thực hiện gian lận có tổ chức và có chủ đích từ trước.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá, nghiêm túc rút kinh nghiệm công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia các năm trước, nhất là năm 2018, Bộ GD&ĐT đã cầu thị tiếp thu ý kiến của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, các nhà khoa học và chuyên gia giáo dục để thực hiện những điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để tổ chức trong các năm 2019, 2020 đáp ứng yêu cầu của Quốc hội khóa XIV: Tiếp tục hoàn thiện và ổn định kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ; khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong giáo dục, giảm áp lực cho học sinh, gia đình và xã hội.
Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 giữ ổn định về phương thức tổ chức như các năm 2017, 2018, không ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh cũng như xã hội; đồng thời, thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập đảm bảo tổ chức thi khách quan, an toàn, nghiêm túc. Kỳ thi được tổ chức với một số điểm mới đã được Bộ GD&ĐT công bố trong thời gian vừa qua.
0 nhận xét