Theo thống kê ca bệnh của Bộ Y tế tính từ ngày 27/4 - 8/7, tổng số ca mắc là 20.224 trường hợp. Trong đó, "tâm dịch" chính của đợt dịch thứ 4 đã "chuyển hướng", đầu đợt dịch bùng phát tại miền Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang), hiện nay đang bùng phát tại các tỉnh miền Nam.
Cụ thể từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, "tâm dịch" TP.HCM đã ghi nhận 8.585 ca nhiễm trong cộng đồng, đã được Bộ Y tế công bố. Đặc biệt trong 10 ngày gần đây, trung bình mỗi ngày phát hiện 500 - 600 trường hợp nhiễm mới. Dù trước đó, thành phố đã áp dụng giãn cách một số nơi nhưng vẫn chưa thể khống chế được dịch bệnh.
Dịch bệnh Covid-19 hiện nay, không chỉ bùng phát mạnh, một số tỉnh miền Nam đã xuất hiện ca mắc Covid-19 có tiền sử đi từ TP.HCM.
Một số tỉnh có tổng số ca mắc cao trong đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 27/4 đến nay như: Đồng Tháp (421 ca), Bình Dương (998 ca), Long An (237 ca)…
Lý giải nguyên nhân đợt dịch thứ 4 đang bùng phát mạnh mẽ và khó lường tại TP.HCM và một số tỉnh miền Nam, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế cho biết, có rất nhiều yếu tố khiến cho dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ tại miền Nam trong những ngày qua.
TP.HCM đang là tâm dịch, ảnh minh hoạ
Theo PGS Huy Nga, dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam đã có thời gian ủ bệnh kéo dài trong cộng đồng. Tức là trong cộng đồng đã có một số lượng lớn người di chuyển như về quê nghỉ lễ, đi du lịch nhiều nơi…, đã xuất hiện các ca bệnh mắc trong cộng đồng nhưng không có triệu chứng. Các trường hợp mắc bệnh này đã đi lại trong cộng đồng vô tình lây lan dịch bệnh cho người khác.
Dịch đợt thứ 4 tại Việt Nam là do biến chủng Delta (biến chủng ghi nhận đầu tiên tại Ấn Độ) có khả năng lây lan nhanh và nhiều người có triệu chứng nhẹ. Đặc biệt, các trường hợp đi du lịch là những người trẻ, khi nhiễm bệnh thường có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Do vậy khi về nhà họ sẽ mang mầm bệnh lây cho người khác trong đó có người già, người có bệnh lý nền (nhóm nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong cao).
Khi bệnh xuất hiện ở người lớn tuổi, triệu chứng nặng mới đến viện khám, do vậy các chùm ca bệnh tại TP.HCM đa phần phát hiện khi sàng lọc tới khám tại bệnh viện.
Thứ 2, mật độ dân cư tập trung đông cộng thêm thời tiết nắng nóng mọi người tập trung trong điều hoà. Môi trường trong phòng điều hòa nhiệt độ là môi trường kín lý tưởng lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, quá trình tiếp xúc gần với nhau trong cùng một quần thể đã khiến cho chuỗi lây nhiễm phát triển thành các chân rết khác nhau.
Hầu hết các chùm ca tại TP.HCM đều có đặc điểm ở những nơi tập trung đông người: khu dân cư, công ty, nhà xưởng, nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo…
"Thứ 3, dịch bệnh bùng phát mạnh tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam còn liên quan tới tâm lý chủ quan của người dân. Các đợt dịch trước đây người dân còn lo ngại nên chủ động thực hiện tốt các biện pháp 5K. Còn đến đợt dịch này, người dân chủ quan hơn nên chưa thực hiện tốt các biện pháp 5K", PGS Huy Nga nói.
Để có thể kiểm soát tốt được tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam người dân cần phải thực hiện tốt các biện pháp 5K, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, cần phải đẩy nhanh việc tiêm vắc xin cho nhóm người cao tuổi, có bệnh lý nền.
"Nên sớm tiêm vắc xin cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao để bảo vệ, tránh tình trạng mắc bệnh nặng và tử vong ở nhóm đối tượng này. Khi tỷ lệ mắc bệnh nặng giảm thì ngành y tế cũng không phải gồng mình lên để chống đỡ, tâm lý người dân không còn hoang mang", PGS Huy Nga nói.
0 nhận xét